Minh Hieu - Hung Yen Co., Ltd
Ông Lê Thanh Hải thị xã Đông Triều, Quảng Ninh chia sẻ, gà Mía số 1 đang được thương lái bắt tại chuồng giá 105.000 - 110.000 đồng/kg, lai chọi 80.000 - 82.000 đồng/kg. Với giá gà thịt hiện tại, ông Hải khẳng định, người nuôi kém cũng có lãi 30 - 40 triệu đồng trên 1.000 gà với giống lai chọi và 60 - 70 triệu đồng với giống Mía.
Sở dĩ ông Hải tự tin như vậy, bởi theo ông, với giá thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục 350.000 - 370.000 đồng/bao 25kg như hiện nay, giá thành chăn nuôi “kịch kim” cũng chỉ 60.000 - 65.000 đồng/kg, trong khi giá gà thịt thấp nhất đã 70.000 đồng/kg nên không thể không có lãi.
Là hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, ông Hải chia sẻ, dù gà đắt hay rẻ ông vẫn vào gối đàn liên tục nên xét tổng thể cả năm vẫn có lợi nhuận, chỉ là ít hay nhiều.
Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận, những hộ chăn nuôi không chuyên đa phần vẫn nghe ngóng giá cám và giá gà thịt nên lưỡng lự chưa dám vào đàn và theo ông Hải đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Theo kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm của mình, ông Hải cho rằng, điều quan trọng nhất với người chăn nuôi là lúc giá đắt phải có gà trong chuồng để bán.
Cùng chung quan điểm, ông Hà Văn Chức, một hộ chăn nuôi tại xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội nhận định, thời gian tới chắc chăn giá gà sẽ chỉ có lên chứ rất khó quay đầu. Bởi theo ông Chức, tại khu vực chăn nuôi trọng điểm Sơn Tây, số hộ bỏ trồng chuồng so với cao điểm lên tới 50% do phần lớn thua lỗ kéo dài trong mấy năm qua. Bên cạnh đó, những hộ còn duy trì được nghề cũng giảm quy mô đàn từ 50 - 60%.
Với thực trạng đa phần người chăn nuôi gia cầm đều kiệt quệ không còn đủ vốn tái đàn do thua lỗ triền miên trong 3 năm qua, cộng với thời điểm này chưa phải là cao điểm mùa cưới mà giá gà đã đắt như vậy nên ông Chức khẳng định chắc như đinh đóng cột, những tháng cuối năm 2022 giá gà thịt sẽ còn sốt cao hơn nữa.
Trong khi đó, anh Trương Văn Đại, ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, Thái Nguyên làm phép tính tỉ mỉ để phân tích được thời cơ với người nuôi gà hiện nay. Theo đó, với FCR gà J lai, lai chọi, lai Hồ vào khoảng 3,2kg thức ăn/kg tăng trọng, nhân lên với giá cám khoảng 350.000 đồng (tiền ngay) và 375.000 đồng/bao 25kg (tiền chịu) người nuôi chắc chắn vẫn còn lãi 35 - 45 triệu đồng
Bởi với 1.000 gà, dù trừ đi hao hụt lên tới 10% vẫn đạt trên 2,2 tấn thịt hơi nên nhân lên với giá trung bình 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi thu về tối thiểu cũng được 160 - 170 triệu đồng. Riêng giống Mía lợi nhuận lên tới 70 - 80 triệu đồng/1.000 gà do gà Mía đang có giá bán cao hơn gấp rưỡi các giống gà khác, song FCR cũng chỉ khoảng 3.4kg.
Trong khi gà thịt lên giá là niềm vui với người nuôi thì với thương lái lại là áp lực lớn khi phải lái xe xa hơn trước rất nhiều mới mua đủ lượng hàng do vấp phải sự canh tranh ngày càng gay gắt.
Anh Phạm Văn Tuấn, thương lái gia cầm tại chợ Đình Lẻo, huyện Tân Yên, Bắc Giang cho biết, thời điểm còn dịch Covid-19, mỗi ngày chợ Đình Lẻo chỉ tiêu thụ được khoảng 100 tấn gà, nay sản lượng lên tới 150 tấn vẫn bán hết từ sáng sớm.
Trước anh Tuấn tha hồ thong thả thăm hết đàn gà này đến đàn gà khác, toàn đàn nuôi già tuổi 5 đến 6 tháng tuổi xem đàn nào đẹp nhất mới xuống tiền, nay gà mới ngoài 100 ngày nếu không quyết đặt cọc sớm có khi hôm sau quay lại chỉ còn mỗi “cái nịt” do thương lái khác đã mua mất rồi.
Theo nhận định của anh Tuấn, nhờ Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và cuộc sống trở lại bình thường, du lịch lễ hội, cưới hỏi bắt đầu được dịp “bung” nên sức tiêu thụ thịt gia cầm tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc siết chặt quản lý biên giới với chính sách “zezo covid” nên gà giống và gà thịt gần như không vào được Việt Nam cộng hưởng khiến giá gà liên tục tăng thời gian gần đây.
Dù giá gà tăng cao khiến lợi nhuận của thương lái co lại đôi chút nhưng anh Tuấn cảm thấy vẫn rất vui vì cảm thông với bà con chăn nuôi đã thua lỗ triển miên suốt mấy năm qua, hơn nữa, với thị trường gia cầm, quy luật thị trường cho thấy, gà thịt giá càng đắt hàng bán lại càng trôi.